“Di cư” ra đảo để sinh sống, nghỉ dưỡng và đầu tư chưa khi nào hết hấp dẫn. Đó cũng là lý do vì sao bất động sản (BĐS) trên những hòn đảo du lịch như Phú Quốc đều đạt mức giá “kim cương”…
Sẵn sàng rút ví, chi hàng trăm triệu USD để sở hữu những khối BĐS giá trị, thậm chí cả một hòn đảo tư nhân không còn là chuyện lạ trong giới siêu giàu. Ví như quần đảo Hawaii – “chuỗi ngọc” trên Thái Bình Dương với nhiều đảo lớn nhỏ chưa khi nào hết hấp dẫn trong mắt giới chịu chơi và chịu chi. Các nhà sáng lập Facebook, Microsoft, Oracle, Paypal, Dell… đều là những tỷ phú đã chi từ vài chục tới vài trăm triệu USD để sở hữu đất đai trên quần đảo này.
Những hòn đảo được các tỷ phú thế giới lựa chọn chẳng phải chỉ có Hawaii. Có thể kể tới đảo Necker của tỷ phú Richard Branson – chủ sở hữu tập đoàn Virgin. Sau 3 năm với gần 10 triệu USD đầu tư, vị tỷ phú đã biến hòn đảo không người ở trước đây thành thiên đường nghỉ ngơi yêu thích của nhiều người nổi tiếng như Công nương Diana, Kate Moss hay Oprah Winfrey…
Sức hấp dẫn của đảo còn khiến giới siêu giàu bỏ số tiền siêu khủng để trở thành cư dân tại đây. Chẳng hạn như đảo Fisher, nằm tại Miami, nước Mỹ, với khoảng 700 hộ gia đình sinh sống trong gần 30 tòa nhà chung cư cao cấp. Các căn hộ cao cấp trên đảo được rao bán với giá khởi điểm từ 2 triệu USD (46 tỷ đồng) đến 40 triệu USD (940 tỷ đồng).
Song, không phải chỉ có giới siêu giàu mới đam mê các đảo du lịch. Không có đủ khả năng sở hữu cả hòn đảo, hay những khu resort đắt giá, tầng lớp trung lưu lại hướng tới những ngôi nhà thứ hai (second home) trên các hòn đảo có tiềm năng phát triển du lịch. Xu hướng này ngày càng lan rộng, bởi với số vốn không quá lớn, họ đã có thể sở hữu một BĐS mức giá vừa phải trên các hòn đảo ở giai đoạn đầu phát triển, trước khi nó trở thành những BĐS được nhiều người sân đón chỉ ít năm sau đó.
Sở dĩ các đảo du lịch có sức hút là bởi vẻ đẹp thiên nhiên mê hoặc, những bãi biển thiên đường, những vạt rừng, vườn cây xanh mướt, khí hậu trong lành… Hơn nữa, với tiềm năng du lịch, BĐS trên những hòn đảo này còn “hái ra tiền” nhờ khả năng kinh doanh, phục vụ du khách.
Như thế, chủ nhân vừa được tận hưởng những kỳ nghỉ dưỡng trong mơ, vừa có thể “bỏ túi” khoản lãi lớn từ việc cho thuê hoặc tự kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo một báo cáo của Savills, tỷ lệ người mua second home chỉ để nghỉ dưỡng đã giảm từ mức hơn 90% vào năm 1971 xuống còn dưới 40% năm 2017. Trong khi, có đến 45% khách hàng vừa mua để nghỉ dưỡng vừa có nhu cầu cho thuê lại.
Ở Việt Nam, trào lưu tìm kiếm ngôi nhà thứ hai trên đảo du lịch để “di cư” và đầu tư đã xuất hiện nhiều năm nay, điển hình nhất phải kể đến đảo Ngọc Phú Quốc. Khoảng 5 năm trở lại đây, giới đầu tư đã sớm tìm kiếm cơ hội sở hữu BĐS ở hòn đảo thiên đường này, nhất là những khu vực được quy hoạch, đầu tư bài bản như Nam Phú Quốc.
Chỉ trong vài năm, nhờ quy mô đầu tư lớn của Tập đoàn Sun Group, Nam đảo Ngọc đã trở thành tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng mới với nhiều sản phẩm độc đáo như các khu resort đạt nhiều giải thưởng quốc tế, cáp treo Hòn Thơm đạt kỷ lục dài nhất thế giới, tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park với công viên nước Aquatopia hiện đại trên đảo Hòn Thơm… Kể từ khi xuất hiện các công trình hiện đại trên đảo Hòn Thơm, hòn đảo có diện tích gần 6km2 này cũng nhanh chóng trở thành đích ngắm đầu tư.
Trong tiến trình chuẩn bị các điều kiện đưa Phú Quốc trở thành thành phố, mới đây tỉnh Kiên Giang đã đề xuất thành lập phường An Thới trên cơ sở sáp nhập thị trấn An Thới với xã Hòn Thơm. Đảo Hòn Thơm là một phần của xã Hòn Thơm, cho nên nếu đề xuất được chấp thuận, rõ ràng giá trị đất đai trên đảo sẽ tăng mạnh theo thời gian.
Giới đầu tư có nghề dự báo, một khi được “nâng cấp” từ xã lên phường, đảo Hòn Thơm sẽ hút dòng tiền đầu tư lớn, cũng như chuẩn bị đón một lượng cư dân mới “di cư” ra đảo để tận hưởng cuộc sống lý tưởng, đón cơ hội tăng giá BĐS, kinh doanh thịnh vượng giữa đại dương. Thậm chí nhiều người còn tin chắc rằng Hòn Thơm có hấp lực mạnh hơn bất cứ địa điểm nào ở Phú Quốc, nhất là trong giai đoạn đầu phát triển.
Theo CafeF